Cyril Kongo - Huyền thoại graffiti gốc Việt

31.05.2020

Cyril Kongo: Huyền thoại graffiti gốc Việt

Một bộ bếp nướng được nghệ sĩ graffiti gốc Việt Cyril Kongo "chạm" vào lập tức lên giá 300.000 USD. 

Cyril Kongo (tên thật: Cyril Phan) vừa gây chú ý với tác phẩm nghệ thuật tại Lariboisière - một trong những bệnh viện lớn của Paris chịu ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19. Các chuyên gia định giá tác phẩm graffiti của ông khoảng 15.000 Euro/m2. Trong một cuộc phỏng vấn, Kongo từng nói ông chưa bao giờ nghĩ tranh của mình có ngày vượt khỏi những bức tường ngoại ô Paris, đưa ông vươn ra thế giới.

Nghệ sĩ Cyril Kongo bên tác phẩm của ông trong studio của nhà thiết kế quá cố Karl Lagerfeld.. Ảnh: CK.

Sinh năm 1969 tại Toulouse (Pháp) trong gia đình có bố là người Việt, mẹ người Pháp, Kongo sống những năm tuổi thơ ở Sài Gòn. Sau năm 1975, ông cùng mẹ chuyển đến thành phố Brazzaville (Congo). Hai năm ngắn ngủi tại đất nước châu Phi là cơ duyên đưa ông đến với nghệ thuật đường phố graffiti, nghệ danh Kongo cũng ra đời từ đây.

Trở lại Pháp cuối những năm 1980, Kongo bỏ học, lao vào vẽ trên mọi bức tường ở thủ đô và vùng ngoại ô Paris. Ông rủ những người bạn cùng đam mê lập nhóm Mort aux Cons (MAC), thực hiện các tác phẩm với phong cách táo bạo, khác biệt. Chỉ trong thời gian ngắn, các chàng trai liên tục được mời vẽ khắp châu Âu và Mỹ.

Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng triển lãm cá nhân đầu tiên tại phòng tranh Galerie Wallworks ở Paris năm 2011. Kongo gặt hái thành công vang dội ngay trong lần đầu chào sân với tư cách một nghệ sĩ độc lập. Ông bán được 27 trong số 30 tác phẩm trưng bày. Kỳ tích này liên tục lặp lại trong các triển lãm sau đó.

Tác phẩm chân dung Albert Einstein "Mister E" trong series tôn vinh các vĩ nhân của Kongo. Ảnh: Prestige.

Kongo là một trong những thủ lĩnh thúc đẩy phong trào graffiti. Trong bối cảnh vẽ graffiti bị nhìn nhận như hành động phá hoại cảnh quan công cộng, năm 2002, ông cùng nhóm MAC tổ chức Festival Graffiti quốc tế đầu tiên tại Pháp mang tên Kosmopolite, thể hiện tiếng nói của nghệ sĩ chân chính, tôn vinh nét đẹp môn nghệ thuật này. Sự kiện duy trì liên tục trong hơn một thập kỷ và trở thành điểm đến quy tụ gần 700 tên tuổi hàng đầu trong giới street-art. Nhiều nơi trên thế giới cũng học tập mô hình này như Amsterdam, Bruxelles, Jakarta, Sao Paulo, Rio de Janeiro, Casablanca... và cho ra đời phiên bản mở rộng của Festival với tên Kosmopolite Art Tour. 

Kongo còn liên tục mở lớp đào tạo giảng viên, dạy vẽ cho trẻ em ít có điều kiện tiếp xúc nghệ thuật. "Tôi muốn các em sống với đam mê của mình, không ngừng lao động và phấn đấu để vươn tới sự xuất sắc. Chúng ta càng dạy những điều này sớm, càng thúc đẩy xã hội tiến xa. Đó chính là sức ảnh hưởng mà một người nghệ sĩ có thể mang lại", ông nói trên Forbes.

Theo đuổi sự xuất sắc là điều Kongo luôn tâm niệm. Ông không ngừng tìm kiếm chất liệu cho tác phẩm từ cuộc sống hàng ngày ở mọi lĩnh vực, không gian. Ông bóc tách một vật dụng giản đơn ra khỏi bối cảnh đời thường, biến nó thành tác phẩm nghệ thuật bằng ngôn ngữ sáng tạo, vui tươi. Tờ Prestige đánh giá Kongo là huyền thoại sống trong làng graffiti.

Năm 2011, Kongo chạm ngõ thời trang khi bắt tay Hermès, đưa các tác phẩm của mình vào khăn lụa Carré - biểu tượng của nhà mốt Pháp. Kể từ đó, Kongo liên tục được những "ông lớn" trong ngành xa xỉ mời hợp tác như Chanel, Richard Mille, Daum, La Cornue... Trong đó, cuộc gặp gỡ với huyền thoại Karl Lagerfeld để lại dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của Kongo.

Ngôn ngữ sáng tạo của Kongo trên các thiết kế của Chanel trong bộ sưu tập Chanel Métiers d’Art 2018. Diễn viên, người mẫu Lily-Rose Depp (phải) diện một thiết kế in tranh của Kongo khi đi dự show này. Ảnh: Gorunway.

Năm 2018, cố giám đốc sáng tạo của Chanel muốn tìm một nghệ sĩ đương đại hàng đầu của Pháp để tạo ra các bức tranh trong studio của ông ở Quai Voltaire, Paris. Trong nhiều cái tên được gợi ý, Karl chọn Cyril Kongo. Tác phẩm của Kongo lập tức trở thành cảm hứng cho bộ sưu tập nghệ thuật Chanel Métiers d’Art 2018 ra mắt tại Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York. Kongo đã diễn giải tinh thần thiết kế của Chanel bằng cách kết hợp chữ tượng hình Ai Cập cổ đại với ngôn ngữ đồ họa của riêng mình. Ông trở thành nghệ sĩ đầu tiên Karl tin tưởng, ủy quyền sáng tạo cho các thiết kế ở bộ sưu tập nghệ thuật cuối cùng ông dành cho Chanel trước khi qua đời tháng 2/2019. 

Dấu ấn Kongo được tìm thấy trên mọi loại "nền tranh" đương đại, từ tường gạch, vải bố, cửa sổ trưng bày, vali, túi xách, vỏ chai champagne, ôtô, máy bay... Để có được sự thuần thục trên những chất liệu khác nhau, Kongo không ngừng học hỏi và trau dồi kỹ năng. Ông kết hợp với nghệ nhân địa phương, thực hiện dự án nghệ thuật trên vải batik truyền thống của Indonesia, ra mắt những hộp bọc xì gà độc bản tôn vinh văn hóa Caribe.

Năm 2018, Kongo tạo ra một bộ sưu tập lịch sử gồm sáu chiếc bếp nướng, phá vỡ mọi giới hạn về gian bếp truyền thống, nhân kỷ niệm 110 năm ngày thành lập thương hiệu lừng danh thế giới La Cornue. Ngay sau khi ra mắt, bộ sưu tập được trưng bày tại các triển lãm ở Milan và Paris. Tác phẩm La Cornue x Kongo phiên bản Paris được mua với giá 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng).

Tác phẩm của Kongo trên chiếc bếp của La Cornue giá 300.000 USD. Ảnh: Figura.

Kongo hướng đến cách tiếp cận đa chiều về các vấn đề, hiện tượng xã hội, triết lý sống. Trong một triển lãm mở màn đại hội nghệ thuật Art Moments ở Jakarta (Indonesia), Kongo giới thiệu các tác phẩm chủ đề "Gourmandise", khai thác ý tưởng về sự tham lam và khoái lạc. Ông còn đem tới tranh truyền tải khái niệm tài chính điện tử như bitcoin và blockchain, loạt tranh chủ đề "Love" diễn tả sự thật, tình yêu và hạnh phúc đối chọi với nỗi buồn, hận thù - một đề tài xuyên suốt trong các sáng tác của Kongo.

Đầu năm nay, các tác phẩm tiêu biểu xuyên suốt sự nghiệp của Kongo được trưng bày dưới mái vòm của Grande Arche-La Défense - nơi được xem là Khải Hoàn Môn thứ hai của Paris, tôn vinh những thành tựu của ông trong ngành nghệ thuật này. Kongo cho rằng đầu tư thời gian và sức lao động là chìa khóa của tương lai: "Để đạt được thành công bạn phải có tầm nhìn và không ngừng hướng tới sự xuất sắc. Đừng bao giờ đưa ra một thứ bạn thấy tầm thường".

Ý Ly