Sự ra đi đột ngột của “ông hoàng thời trang” Karl Lagerfeld để lại một khoảng trống không thể bù đắp cho ngành công nghiệp thời trang. Tuy nhiên tinh thần sáng tạo và ngọn lửa đam mê nghệ thuật bất diệt vẫn được Karl truyền tải trọn vẹn cho đến những bộ sưu tập cuối cùng. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến BST Chanel Métiers d’art 2018/19 khi ông kết hợp những kí tự Ai cập cổ đại giàu tính biểu tượng với ngôn ngữ graffiti đầy chiều sâu của nghệ sĩ graffiti hàng đầu Cyril Kongo.
Sự giao thoa giữa hai thế giới nghệ thuật
Chỉ vài tuần trước khi ra mắt bộ sưu tập Chanel Métiers d’art 2018/19, giám đốc sáng tạo Chanel nhận được một món quà đặc biệt từ một người bạn là chủ thương hiệu trang sức Aaron Jah Stone - một sợi dây chuyền được thiết kế dành tặng riêng cho Karl Lagerfeld với logo chữ “K” – viết tắt tên gọi của nhà thiết kế hàng đầu thế giới Karl Lagerfeld. Sợi dây chuyền được nạm đá tourmaline đen đã ngay lập tức thu hút mọi sự chú ý của “thiên tài làng thời trang thế giới” bởi những đường nét sống động và bí ẩn mang đậm phong cách graffiti nhưng cũng ẩn chứa trong đó sự tinh tuý của nghệ thuật chạm khắc truyền thống và ý chí tinh thần mạnh mẽ của người nghệ sỹ. Đó chính là ngọn lửa thôi thúc Karl Lagerfeld tìm hiểu về tác giả của tuyệt tác này – nghệ sĩ graffiti hàng đầu Cyril Kongo.
Chân dung “huyền thoại graffiti” gốc Việt Cyril Kongo
Bắt đầu sự nghiệp graffiti từ năm 18 tuổi như một nghệ sĩ tự do, trải qua 3 thập kỷ cùng graffiti, Cyril Kongo đã để lại ấn tượng trọng lòng công chúng với những đóng góp to lớn trong việc đưa graffiti trở thành một môn nghệ thuật được công nhận và có sức ảnh hưởng rộng khắp. Nghệ thuật của ông gắn liền với với những kĩ thuật điêu luyện cùng ngôn ngữ tượng hình đầy màu sắc thể hiện sự lạc quan cũng như tinh thần tận hưởng cuộc sống. Cyril Kongo còn thành công trong việc đưa nghệ thuật graffiti vượt khỏi khuôn khổ của những bức tường khi phát triển và ứng dụng ngôn ngữ graffiti của mình trên nhiều bề mặt từ vải bố, cửa sổ trưng bày, vali, túi xách, khăn quàng cổ, thuỷ tinh, ô tô, máy bay và thậm chí cả những chiếc bếp nướng.
Sự thuần thục những quy tắc hội họa và không ngừng khám phá giới hạn của bản thân của Kongo khiến các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới - nổi tiếng về kĩ thuật chế tác thủ công trong nhiều lĩnh vực từ thời trang như Chanel, Hermès; tới đồng hồ như Richard Mille, hay nội thất cao cấp như Daum, La Cornue v.v mời hợp tác.
Quai Voltaire – nơi hai tư tưởng lớn thăng hoa
Sau buổi gặp gỡ định mệnh tại Rue Cambon, “linh hồn” của Chanel đã ngỏ lời mời Kongo tới studio cá nhân của mình tại 17 bis Quai Voltaire để cùng bắt tay thực hiện những tác phẩm tôn vinh tinh hoa của kho tàng tri thức Ai Cập cổ đại.
Tại đây, bộ sưu tập “Quai Voltaire” đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa hai vĩ nhân trong giới nghệ thuật đã ra đời. Kongo nhanh chóng lao vào sáng tác, những mảng màu rực rỡ cứ thế được “tuôn chảy” dưới ngòi bút của Kongo trên nền tranh canvas nối tiếp nhau như dòng chảy lạc quan và tâm hồn đam mê, sống hết mình của người nghệ sỹ. Chính Karl Lagerfeld cũng không khỏi trầm trồ khi được tận mắt thấy quá trình sáng tác của người nghệ sỹ graffiti. Ông vô cùng thích thú với những dụng ý nghệ thuật mà Kongo thổi vào các tác phẩm, từ cách người nghệ sỹ “chơi màu” đến cách Kongo thể hiện những dòng chữ “Paris” hay “Quai Voltaire” theo nhiều phong cách khác nhau mang đậm phong cách graffiti nhưng cũng phần nào mô phỏng chữ viết của những người tối cổ. Những tác phẩm tô đậm thông điệp về tinh thần sáng tạo bất diệt, sự cống hiến hết mình trong nghệ thuật và sự xuất sắc - triết lý mà cả Kongo và Karl Lagerfeld theo đuổi. Sau khi Kongo hoàn thành những tác phẩm của mình, Chanel đã mua lại 15 tác phẩm và không hề tiết lộ cho Kongo về ý định của mình với những bức tranh này.
Horus Eye – con mắt của vị thần Horus, biểu tượng cho sự “bất diệt – đại diện cho sự trường tồn của tinh thần "Karl Lagerfeld" và những giá trị nghệ thuật vượt thời gian mà ông đã để lại cho người hâm mộ.
Tác phẩm “Coco” tôn vinh tinh thần của nhà thiết kế huyền thoại Coco Chanel và những di sản vĩ đại mà bà đã để lại cho ngành thời trang và cho phụ nữ hiện đại.
Ngày 04/12/2018 tại New York, trong khán phòng của MET, ngôi đền Isis cao 8m từ Dendour – món quà của những người Ai Cập cho đất nước Mỹ đã được tái dựng lại làm bối cảnh cho buổi ra mắt bộ sưu tập Chanel Métiers d’art 2018/19. Kongo chia sẻ rằng, sau khi rời khỏi studio của Karl Lagerfeld, ông hoàn toàn mơ hồ về mục đích sử dụng các tác phẩm của mình trong bộ sưu tập lần này của nhà mốt hàng đầu thế giới. Và không ngoài dự đoán, những bức vẽ của nghệ sỹ graffiti tài ba được xuất hiện trong khán phòng, cũng như trên thiệp mời, góp phần tạo nên sức hút ma mị cho không gian nghệ thuật đẳng cấp tại bảo tàng Metropolitan New York. Nhưng điều bất ngờ nhất với không chỉ khán giả mà cả đối với Kongo, chính là việc Karl Lagerfeld đã sử dụng một vài tác phẩm của huyền thoại graffiti để tạo nên những bộ trang phục hoàn chỉnh.
Ngôn ngữ thiết kế của Kongo trên các thiết kế của Chanel trong BST Chanel Métiers d’art 2018/19
Được chắp bút bởi bậc thầy graffiti và được tỉ mỉ cắt ghép bởi những nghệ nhân hàng đầu của Chanel, những tuyệt tác của Kongo trên nền tranh canvas đã ngay lập tức trở thành tâm điểm của sàn diễn, khiến các quý cô sành sỏi nhất ở khắp mọi nơi trên thế giới phải săn lùng.
Hiện bộ sưu tập Quai Voltaire chỉ còn sót lại một số ít các tác phẩm của được Kongo giữ lại như một kỷ niệm đánh dấu cuộc hội ngộ định mệnh với cố nhà thiết kế tài hoa Karl Lagerfeld. Ba trong số các tác phẩm này hiện đang được trưng bày tại gallery cá nhân đầu tiên của ông tại số 9 Tràng Tiền, Hà Nội.
Tác phẩm Paris Messi – một trong số ít những tác phẩm còn sót lại thuộc bộ sưu tập Quai Voltaire hiện đang được trưng bày tại Cyril Kongo Hanoi Gallery
Mặc dù đã nhiều lần hợp tác với các thương hiệu lớn trong ngành xa xỉ phẩm như Hermès, La Cornue, Richard Mille nhưng lần hợp tác với Karl Lagerfeld đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Kongo khi sự sáng tạo và ngôn ngữ tượng hình của ông đã được “ông hoàng thời trang” chắp cánh. Thông qua sự kết hợp lần này, Kongo một lần nữa khẳng định vị thế và sứ mệnh của người nghệ sĩ trong việc gìn giữ và phát triển các di sản văn hoá nhân loại và các giá trị truyền thống lịch sử thông qua bộ môn graffiti mang đậm hơi thở của thời đại.