Để kỷ niệm 110 năm ngày thành lập, thương hiệu nội thất bếp cao cấp lừng danh thế giới La Cornue đã khởi xướng một cuộc phiêu lưu nghệ thuật táo bạo với huyền thoại graffiti lai Pháp-Việt Cyril Kongo để tạo ra một bộ sưu tập lịch sử gồm 6 chiếc bếp nướng phá vỡ mọi giới hạn về gian bếp truyền thống.
Ngay sau khi ra mắt, bộ sưu tập này đã được trưng bày tại các triển lãm ở kinh đô nghệ thuật Milan và Paris và gần như ngay lập tức, tác phẩm La Cornue x Kongo phiên bản Paris đã được mua với giá 300.000 USD (tương đương 7 tỉ đồng).
Với sự hợp tác lịch sử này, Kongo đã chuyển hoá ngôn ngữ đồ hoạ đặc trưng của mình lên bề mặt men cao cấp của những chiếc bếp ăn xa xỉ mang thương hiệu La Cornue nổi tiếng. Sáu chiếc bếp ăn phiên bản Château 150 đại diện cho Paris cùng các châu lục Châu Âu, Châu Á, châu Úc, Trung Đông, và nước Mỹ làm nên một kiệt tác hoàn chỉnh về một thế giới đa sắc màu. Lấy cảm hứng từ sự đa dạng của mỗi không gian địa lý, mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập lại mang một cá tính riêng, được tạo ra từ sự khác biệt trong thiết kế, độ dày của lớp men, độ cong của bề mặt, màu sắc cũng như từng chi tiết trang trí mà Kongo sử dụng.
La Cornue x Kongo phiên bản Middle East (Trung Đông) với cảm hứng từ hình ảnh mặt trời mọc trên sa mạc.
Sự điêu luyện và chính xác từ kĩ thuật nung bếp truyền thống 110 năm tuổi của La Cornue kết hợp với ngôn ngữ nghệ thuật đầy triết lý và hiện đại của Kongo đã biến mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập này thành một kiệt tác nghệ thuật độc nhất vô nhị.
La Cornue x Kongo phiên bản USA- chủ nhân của giải thưởng danh giá về thiết kế "AD Great Design Award" 2018.
Đặc biệt, chiếc bếp phiên bản Kongo USA đã được tôn vinh bằng giải thưởng danh giá "AD Great Design Award" 2018 ở hạng mục không gian bếp. Đây là một trong những giải thưởng danh giá nhất trong giới thiết kế mà lần đầu tiên thương hiệu có lịch sử hơn 100 năm tuổi này có vinh dự được nhận thông qua kiệt tác nghệ thuật được nhào nặn bởi Kongo cùng ngôn ngữ nghệ thuật đầy tươi vui và lạc quan của ông.
Sự hợp tác lịch sử này được đánh dấu trên các tác phẩm bằng chữ kí của Kongo ở cánh tủ phải và mốc thời gian "2018" bên trái. Mỗi tác phẩm trong BST có giá khoảng 7 tỉ đồng.
Không chỉ giới hạn trên bốn bức tường, nghệ thuật graffiti đường phố giờ đây đã được Kongo mang vào tận gian bếp – trái tim của ngôi nhà với những nét chấm phá đầy tính nghệ thuật. Cũng như những lần hợp tác với các thương hiệu xa xỉ hàng đầu khác như Richard Mille, Hermès, Channel, Daume... nghệ sĩ tài hoa gốc Việt đã tự thách thức những giới hạn của bản thân khi truyền tải ngôn ngữ tượng hình sống động lên các vật liệu khác nhau và thổi hồn vào mỗi vật dụng mà ông chạm vào.
Sự kết hợp giữa La Cornue và Kongo dựa trên giá trị chung mà cả 2 cùng theo đuổi: sự xuất chúng, sự tỉ mỉ và thôi thúc truyền dạy kĩ thuật chế tác truyền thống cho thế hệ tương lai.
Theo Kongo, điều gắn kết ông với các thương hiệu này nằm ở khao khát chạm đến sự xuất sắc cũng như truyền cảm hứng về nghệ thuật chế tác cho thế hệ tương lai: "Là một nghệ sĩ, tôi muốn kể những câu chuyện về những cá nhân giàu lòng đam mê, có cá tính, có kiến thức chế tác tinh vi, và hoạt động trong những ngành nghề mà có lẽ đang dần biến mất trong thời đại mà chúng ta chỉ chú trọng đến lợi nhuận, đến sản xuất hàng loạt, nơi chúng ta đã tự hạ thấp tiêu chuẩn của sự ưu tú, nơi ít ai dám dấn thân đến cùng."
Cyril Kongo tên thật là Cyril Phan, sinh năm 1969 tại Toulouse, Pháp trong một gia đình có bố là người Việt và mẹ là người Pháp. Ông trải qua tuổi thơ ở Sài Gòn và sau năm 1975, ông cùng mẹ sinh sống tại Congo hai năm trước khi quay trở lại Pháp. Năm 18 tuổi, sau khi bỏ học giữa chừng, Cyril bắt đầu sự nghiệp graffiti như một nghệ sĩ tự do và nhanh chóng vươn tới đỉnh cao trong thế giới nghệ thuật đường phố chỉ trong vòng 1 thập kỷ ngắn ngủi.
Sự thuần thục những quy tắc hội họa và không ngừng khám phá giới hạn của bản thân đã giúp Kongo nổi lên như một một huyền thoại sống của giới graffiti đương đại khi nâng tầm graffiti thành một loại hình nghệ thuật riêng biệt có sức ảnh hưởng rộng khắp. Mang trong mình dòng máu Việt, Kongo có tình cảm gắn bó đặc biệt với nơi chôn rau cắt rốn. Trong lần đưa vợ con trở lại quê hương năm 2017, ông đã thăm lại những con phố Sài Gòn và đích thân lựa chọn chiếc áo dài Huế - quốc hồn quốc tuý của Việt Nam để mang theo khi quay lại Pháp.
V.D