Kongo: Cuộc sống trong mùa dịch và dự án kết hợp với “Picasso trong giới làm bánh” Pierre Herme

24.02.2021

Kongo, tên thật là là Cyril Phan, luôn thách thức bản thân ở mọi “nền tranh”, từ tường, vải, cửa kính, thân cây, váy, túi, khăn quàng cổ, đồ trang sức, chai sâm panh, hộp xì gà , ô tô hay thậm chí là máy bay, và được biết đến nhờ các màn hợp tác với các thương hiệu hàng đầu như Chanel, Hermès, Richard Mille, Daum, La Cornue và Les Ateliers Victor để giới thiệu tinh thần savoir-faire Âu châu truyền thống. Nghệ sĩ người Pháp gốc Việt 52 tuổi tạo dấu ấn với phong cách graffiti chủ đạo, những ký tự tượng hình và màu sắc rực rỡ, tươi sáng, lấy cảm hứng từ những đồ vật gần gũi và biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật để tô điểm cho cuộc sống thêm tươi đẹp. 

Cyril Kongo – nghệ sỹ đương đại hiếm hoi được các thương hiệu hàng đầu thế giới như Chanel, Hermès, Richard Mille, ”chọn mặt gửi vàng”

Nhân dịp lễ tình nhân năm nay, để tôn vinh tình yêu dưới mọi góc độ, ông đã hợp tác với Pierre Hermé, nghệ nhân làm bánh và chocolate người Pháp nổi tiếng thế giới với những chiếc bánh macaroon thượng phẩm nhiều màu sắc. Kongo đã sáng tạo trên bao bì của những hộp bánh macaroon và chocolate, mặt tiền và bên trong cửa hàng của Maison Pierre Hermé bằng phong cách graffiti đầy màu sắc đặc trưng, khéo léo lồng ghép các chữ cái trong từ “macaroon” với biểu tượng trái tim, hiện đang thu hút sự chú ý của những người đang yêu ở khắp mọi nơi.

 


Các tác phẩm mà Kongo đã thực hiện trong dự án kết hợp với Pierre Hermé

Forbes vừa có cuộc trò chuyện thân mật và sâu sắc với Kongo để biết thêm về cuộc sống của người nghệ sỹ tài hoa trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và những cống hiến cho xã hội.

Được biết, anh đã trải qua giai đoạn cách ly xã hội ở Pháp trong đại dịch Covid-19. Thời gian đó ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của anh như thế nào?

Tháng đầu tiên, tôi cho phép mình nghỉ ngơi sau nhịp sống bận rộn của năm 2019. Tháng thứ hai, tôi ghé studio gần nhà và làm những việc cần làm. Tôi thực hành trên những định dạng lớn và các bản vẽ. Đó cũng là quãng thời gian tôi bày tỏ lòng biết ơn đến đội ngũ nhân viên y tế đã cống hiến hết mình trong đại địch, thông qua những tác phẩm nghệ thuật.


Kongo bên tác phẩm tại bệnh viện Lariboisière

Tôi cũng đề xuất dự án cho các bệnh viện ở Paris, bằng cách tặng một bức tranh cho Hospitals of Paris – Hospitals of France Foundation, và sau đó họ bán đấu giá để gây quỹ hỗ trợ hoạt động chữa bệnh. Sáng kiến thứ hai là trưng bày một tác phẩm sắp đặt tại Lariboisière Hospital để tri ân trực tiếp đến các nhân viên điều dưỡng. Tôi cũng tạo ra một bản kỹ thuật số của tác phẩm này để bán trên trang web của mình. Lợi nhuận thu được sẽ quyên góp cho bệnh viện. Là một nghệ sĩ, tôi ước mình có thể làm được nhiều thứ hơn.

Tôi đã vẽ và vẽ rất nhiều. Và việc vẽ này, thật lạ, lại dễ dàng hơn khi con người ta chỉ còn cách ngồi một chỗ, ở một nơi. Vì thông thường, tôi có sở thích đi du lịch, gặp gỡ người này người kia cho các dự án hay ra nước ngoài để triển lãm các tác phẩm của mình.

Phải chăng chủ đề trong tác phẩm của Kongo đã thay đổi?

Vừa rồi, tôi đã thực hiện một series trên giấy mang tên “Confinement”. Tôi thúc giục bản thân sáng tác một bản vẽ mỗi ngày để kết tinh khoảnh khắc độc đáo này. Đã qua nhiều thế hệ nhưng chưa bao giờ con người cùng trải nghiệm sự tạm dừng mang tính toàn cầu như lúc này. Không một quốc gia, con người, chính phủ hay luật pháp nào từng thành công trong việc tạm ngừng thế giới. Và chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với hậu quả thảm khốc hơn so với thế giới cũ.

Tác phẩm “Confinement 27” được Kongo sáng tác trong ngày thứ 27 của đợt giãn cách xã hội

Trong thời gian “giam cầm”, có rất nhiều sự kiện trên Instagram Live, nơi các nghệ sĩ cùng trao đổi và có vô vàn sáng tạo trực tuyến thú vị. Dù đại dịch tốt hay xấu, tôi chắc chắn rằng thế giới trong năm 2021 sẽ không giống với năm 2019 đâu.

Theo anh, nghệ sĩ có thể đóng vai trò như thế nào trong bối cảnh này?

Trong một thế giới đầy âu lo, người nghệ sĩ cần mang đến những chất xúc tác vui vẻ, thú vị và tràn đầy năng lượng tích cực. Chẳng hạn, khi căng thẳng, tôi thích uống một ly rượu, thưởng thức một miếng phô mai. Cũng như vậy, người ta sẽ muốn trưng bày trong ngôi nhà của mình các bức tranh mang đến cảm giác đổi mới và giảm thiểu áp lực.

Những gì mà người nghệ sĩ có thể làm trong bối cảnh hiện tại là thổi vào thực tế ánh sáng lung linh, huyền diệu, hay nói tóm gọn là cái đẹp. Đó là điều cần thiết để chữa lành tinh thần.

Anh đã đi từ đường phố tới những phòng trưng bày nghệ thuật và được công nhận như thế nào?

Đó là câu chuyện của lòng quyết tâm. Nhưng phòng trưng bày nghệ thuật không phải là mục đích cuối cùng của tôi. Mục đích cuối cùng của cá nhân tôi là tiếp tục được thể hiện bản thân, và khiến nghệ thuật của mình hiện diện ở càng nhiều nơi càng tốt.

Không gian triển lãm tại triển lãm cá nhân của nghệ sỹ Cyril Kongo tại Grande Arch La Defense

Thay vì nói sự hợp tác với các thương hiệu, Kongo lại cho rằng đó là mối nhân duyên giữa những người sáng tạo từ các vũ trụ khác nhau. Điều đó có nghĩa là gì, thưa anh?

Những sự hợp tác mà tôi có trong cuộc sống thực chất là nhân duyên. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, và từ đó hình thành nên một chiếc cầu nối giữa hai vũ trụ của chúng tôi. Nhân duyên này không qua bất kì một đội ngũ tiếp thị nào cả. Thực tế, tôi đã từ chối đến 90% những dự án gửi đến cho tôi theo cách đó.

Cá nhân tôi nghĩ thành công của một cuộc hợp tác trước hết phải thông qua sự gặp gỡ, tính toàn vẹn và sự sáng tạo, sau đó mới đến bán hàng và tiếp thị. Đó là lý do vì sao tôi không thích nói về việc hợp tác với một thương hiệu, ngay cả khi tôi hay Richard Mille đều được coi là “thương hiệu”. Nó là sự thật, và hơn cả vây, nó thuộc về tầm nhìn riêng của mỗi người. Vì tôi muốn người ta nghĩ đến tôi là Kongo, chứ không phải là một thương hiệu. Tôi muốn thoát ra khỏi vùng thoải mái của chính mình để đẩy vũ trụ tương ứng đi xa hơn. Đó cũng là lý do vì sao tôi không thích tên gọi “street art” vì điều đó làm cho tâm trí bạn bị bị giới hạn rằng nghệ thuật là ở đường phố.

Tác phẩm “Le 29”, tác phẩm hiếm hoi còn sót lại sau màn hợp tác giữa Kongo và Karl Lagerfeld trong bộ sưu tập cuối đời của “ông hoàng thời trang”

Tôi đã dành gần 30 năm sáng tác trên đường phố, nhưng cá nhân tôi tin rằng không có gì là giới hạn. Đó là lý do vì sao tôi không chịu ảnh hưởng quá nhiều cả ở triển lãm nghệ thuật đường phố hay triển lãm nhóm. Không phải tôi chê bai nó, nhưng tôi không cho phép mình “dậm chân tại chỗ”. Mục tiêu của tôi trong 10 năm qua là đưa nghệ thuật của mình đến những vũ trụ xa hơn, đi đến gần cái hoàn hảo hơn. Với tôi, graffiti luôn hướng đến sự xuất chúng. Khi tôi cùng nhóm MAC collective thực hiện các bức vẽ trên những bức tường lớn, chúng tôi đã có những cuộc ganh đua thực sự với các nghệ sĩ khác và chúng tôi muốn gây ấn tượng với họ. Đưa nguồn năng lượng đó vào hiện tại, tôi cũng đang cố gắng tạo kết nối nghệ thuật của mình với các vũ trụ khác nhau từ chế tác đồng hồ, pha lê, đặc biệt ngay cả với chất liệu truyền thống. Chẳng hạn như mối lương duyên giữa tôi và La Cornue, hai thế giới tưởng chừng khác nhau nhưng đã tìm thấy điểm hòa hợp. Chúng tôi đã tạo những chiếc bếp, nhưng xa hơn, đó là bí quyết về men, về kim loại tấm, và những con người đã cống hiến cả cuộc đời cho kỹ năng và đam mê của họ.

Được biết, anh cũng bén duyên hợp tác với Antoine de Saint Exupéry Youth Foundation để vẽ trên chiếc máy bay cổ điển Nord 1000?

Cyril Kongo hợp tác cùng Hiệp hội Phục chế máy bay Caudron Simoun trong dự án phi lợi nhuận, khôi phục máy bay quân sự Nord 1000 quân đội Đức sử dụng trong Thế chiến thứ Hai. 

Ý tưởng này nhằm mục đích gây quỹ để sản xuất cuốn sách nghệ thuật “Hoàng tử bé” với những bức vẽ nổi dành cho người mù. Ông tôi bị mù trong một lần nhảy vào hầm mỏ ở Việt Nam. Khi còn bé, tôi đã đọc báo cho ông nghe, vì vậy, khi quỹ Saint Exupéry Foundation đề xuất dự án này cho tôi, tôi đã chấp nhận nó như một cách dùng thực hành sáng tạo của mình để phục vụ người khác. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống của một người là phục vụ cho một mục đích và có thể truyền cảm hứng cho mọi người.

Hãy kể cho tôi về một bức tranh gần đây của bạn? 

Tác phẩm “Hymne à la Beauté” của nghệ sỹ Cyril Kongo

Tôi đã vẽ một bức tranh lấy cảm hứng từ bài thơ của Charles Baudelaire mà tôi diễn giải lại và gọi nó là “Hymne à la Beauté” (Thánh ca về vẻ đẹp), là một phần trong tác phẩm “Les Fleurs du Mal” (Những bông hoa của ác quỉ). Đó là một tác phẩm tôi đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết, tuy nhiên tôi luôn sáng tạo nhiều tác phẩm cùng lúc, nếu không tôi sẽ rất nhanh chán. Thỉnh thoảng khi tôi đã có những bước tiến tốt về các tác phẩm, tôi sẽ tạm gác nó lại mà để cho tâm trí mình được nghỉ ngơi.  Với “Hymne à la Beauté” tôi đã bắt đầu phác thảo nó từ tháng 11 năm 2019, và tôi đã dành khoảng thời gian liên tục trong vài tháng để thực hiện nó. Cứ cách một tuần hoặc 15 ngày, tôi quay lại để tiếp tục hoàn thiện tác phẩm. Đã có lúc tôi nghĩ rằng mình không thể hoàn thiện được nó vì tác phẩm này thực sự quá lớn, với hàng loạt những kí tự nhỏ trên diện tích rất lớn lên tới 4.5x 4m, chính vì vậy mà “Hymne à la Beauté” đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian.

(Nguồn: Forbes)

----

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

 Cyril Kongo Vietnam Gallery Số 9 Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

 Hotline: (+84) 32045650

Giờ mở cửa : 10:00 am - 7:00 pm từ Thứ Hai - Chủ Nhật

Website: kongogallery.com

Facebook: Cyril Kongo Vietnam Gallery

Instagram: cyrilkongo_vietnamgallery